Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản 2017 sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại như năm 2016. Đặc biệt, thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người mua nhà thu nhập thấp.
Thị trường bất động sản 2017 sẽ hạ nhiệt?
Dự báo thị trường bất động sản 2017
Chiều 20/12/2016, Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản 2017 – Tác động chính sách” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và báo Đầu tư đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong buổi hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo về thị trường trong thời gian tới.
Theo đó, bất động sản 2017 sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành, một số khác chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn.
Tiến sĩ Trần Kim Chung cho biết, nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017, áp lực xử lý nợ xấu dự tính vào khoảng 100.000 tỷ đồng.
Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới, chính vì vậy phân khúc này rất cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
3 kịch bản cho bất động sản 2017
Về thị trường bất động sản 2017, ông Chung đưa ra 3 kịch bản:
Kịch bản thứ nhất, thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2016. "Đây là kịch bản rất nhiều người mong muốn nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra", Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho biết.
Kịch bản thứ 2, thị trường đi ngang, một số phân mảng điều chỉnh giảm, một số sẽ tăng. Thị trường sẽ chứng kiến cơ cấu sản phẩm thay đổi rõ rệt. Theo ông Chung, đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản thứ 3, thị trường suy giảm, trầm lắng. “Đây là kịch bản ít người mong muốn nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu có những bất ổn quan hệ, kinh tế thế giới, khu vực", ông Chung nhấn mạnh.
Xu hướng “xanh” sẽ lên ngôi
Cùng quan điểm với ông Chung, ông Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho cho biết, nhiều khả năng bất động sản 2017 vẫn tiếp tục phát triển ổn đỉnh.
Theo ông Hà, do ảnh hưởng từ chính sách của Nhà nước và quá trình cơ cấu lại thị trường bất động sản, sự phát triển của các phân khúc nhà ở sẽ có sự thay đổi. Phân khúc nhà ở thương mại ở mức trung bình và thấp, nhà ở xã hội sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng tiếp tục phát triển song sẽ có sự phân hóa loại cao cấp hẳn và cao cấp thực với loại sản phẩm khác đang gọi là cao cấp.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hà còn dự báo các sản phẩm “Smart”, “Green”, tiết kiệm năng lượng hiệu quả sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Các chủ đầu tư sẽ quan tâm đến xu hướng này nhiều hơn để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
1 tỷ USD FDI đổ vào bất động sản
Theo phân tích của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, bất động sản là lĩnh vực đã được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Bằng chứng là tính từ năm 1988 đến cuối tháng 10/2016 Việt Nam đã tiếp nhận 2115 dự án FDI với số lượng vốn đăng ký 290 tỷ 682 triệu USD, trong đó có 562 dự án bất động sản với vốn đăng ký 55 tỷ 973 triệu USD; khoảng 50% vốn đăng ký đã được thực hiện.
Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang dẫn đầu FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,62 tỷ USD, chiếm 31,9%, Nhật Bản ở vị trí thứ 2 với 1,92 tỷ USD, chiếm 10,9% và Singapore ở vị trí thứ 3 với 1,72 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư.
Năm 2016 với 66 dự án gần 1 tỷ USD vốn đăng ký, bất động sản đứng thứ 2 sau lĩnh vực chế tạo, mặc dù con số đó thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn.
Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI nói chung và FDI vào bất động sản bởi vì những năm từ 2007 đến 2010 tuy có nhiều dự án bất động sản hàng tỷ USD nhưng tỷ lệ vốn thực hiện khá thấp, khoảng 25%, một số dự án không được triển khai đã bị thu hồi giấy đăng ký đầu tư.
Năm 2016 đã có một số dự án FDI lớn tại TP.HCM như Creed Group đầu tư vào City Gate 500 triệu USD, Toshin Development đã đề xuất đầu tư dự án trung tâm thương mại ngầm Bến thành, Global Group bắt tay với công ty Nhà Mơ đầu tư dự án bất động sản tại quận 8…
Bất động sản 2017 sẽ tiếp tục “hút” vốn ngoại
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, những nhà đầu tư ngoại giờ đây khá nhạy với thị trường, họ không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp, khách sạn hạng sang như trước đây mà còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật, Hàn Quốc, Singapore…
Vậy vì sao bất động sản Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại? Theo ý kiến GS. Nguyễn Mại, có 3 nguyên nhân chính:
Môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo nên lợi thế so sánh hơn các nước trong khu vực.
Tầng lớp trung lưu nước ta có tốc độ tăng nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu vào năm 2015, dự báo đến năm 2020 con số này sẽ là 33 triệu theo nhận định của ngân hàng HSBC.
Chính phủ cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp vì khi họ đầu tư thì được hưởng tỷ suất sinh lời từ 7 – 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1 – 2%.
Theo MuaBanNhaDat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét